Header Ads

Câu chuyện về điện thoại Obi giá rẻ của cựu CEO Apple

Những chiếc smartphone giá rẻ dưới thương hiệu điện thoại Obi, do cựu CEO của Apple, ông John Sculley sáng chế sẽ tiếp cận với người dùng ở các quốc giá mới nổi, như phong cách tiếp thị của PepsiCo.

Điện thoại Obi được sáng chế bởi John Sculley, cựu CEO sinh năm 1939, người điều hành Apple trong những năm 1985-1993 sau khi sa thải Steve Jobs (1985), và cũng là người đồng sáng lập Obi Worldphone. Phần lớn chiến lược kinh doanh của ông tương đối khó khăn vì phải "né" thị trường Mỹ.

dien-thoai-obi

Thay vào đó, điện thoại Obi Worldphone đã tung ra hai mẫu smartphone Android nhằm vào các nước mới nổi, nơi mà điện thoại thông minh được xem là quan trọng nhất và ít hoặc không có sự xuất hiện của smartphone cao cấp hàng đầu như iPhone và đại gia đình dòng Samsung Galaxy. Những chiếc điện thoại dưới thương hiệu Obi sẽ có giá chưa tới 200 USD.

Chẳng hạn như Obi Worldphone SF1 (tên viết tắt của San Francisco) có giá chỉ 199 USD, mà vẫn sở hữu chuẩn mạng di động 4G LTE, cùng với thiết kế thanh lịch được gia công từ chất liệu sợi thủy tinh và các điểm nhấn bằng kim loại ở phần trên và dưới mang đến cảm giác sang trọng. Máy có màn hình IPS rộng 5 inch (1080x1920 pixel, 443 ppi) được bảo vệ bởi lớp kính Gorilla Glass 4, dùng chip 8 nhân Qualcomm Snapdragon 615, RAM 2GB, ROM 16GB (bản RAM 3GB, ROM 32GB có giá 250USD), chạy Android Lollipop, tích hợp công nghệ âm thanh Dolby Audio cùng microphone kép có chức năng lọc tiếng ồn. SF1 được trang bị camera trước 5MP, camera sau 13MP, cả hai đều hỗ trợ đèn LED Flash trợ sáng và pin chuẩn Li-po dung lượng 3.000 mAh (có công nghệ sạc nhanh của Qualcomm).

Còn chiếc smartphone thứ hai có tên gọi Obi Worldphone SJ1.5 (tên viết tắt của San Jose), với giá bán 129 USD. Máy chỉ dừng lại ở kết nối mạng di động 3G và chất liệu có nguồn gốc từ polycarbonate, nhưng phần khung được cường lực bằng hợp kim Magie - Titanium. Màn hình của SJ1.5 có kích thước 5 inch độ phân giải HD 720p, dùng kính cường lực Gorilla Glass 3, chạy chip 4 nhân MediaTek MT6580 xung nhịp 1,3GHz, RAM 1GB, ROM 16GB (hỗ trợ microSD 32GB), được cài sẵn Android Lollipop, camera trước 5MP, camera 8MP và pin chuẩn Li-po dung lượng 3.000 mAh.


Obi Worldphone SF1Obi Worldphone SJ1.5 đều có ngoại hình bóng bẩy kèm mức giá cực phải chăng. Cả hai do nhà thiết kế Robert Brunner - người sáng lập công ty thiết kế Ammunition danh tiếng tại San Francisco, Mỹ. Được biết, trước đây ông từng làm việc tại Apple dưới thời của John Sculley và nghỉ việc vào năm 1997, khi Jonathan Ive kế nhiệm ông.

Mặc dù có sự tham gia của nhiều nhân vật tiếng tăm một thời tại Apple, nhưng điện thoại của điện thoại Obi không đạo lại thiết kế của "gã khổng lồ" đến từ Cupertino. "Cả tôi và Robert Brunner đều rất tôn trọng Apple, bởi vì chúng tôi đã học được rất nhiều điều hay trong những năm mà chúng tôi ở đó. Apple là một công ty đi đầu về thiết kế - chúng tôi cũng muốn sở hữu những thiết kế đẹp như họ nhưng nhắm đến một phân khúc thị trường hoàn toàn khác” - John Sculley cho biết.

Nếu như Steve Jobs được mọi người ví như "phù thủy công nghệ" thì John Sculley chẳng khác gì "phù thủy marketing" - ông rất có tài trong lĩnh vực tiếp thị và PR sản phẩm. Sculley nhận thấy, thị trường điện thoại thông minh ngày nay có nhiều điểm chung với các thức uống pha sẵn, và ông muốn đẩy mạnh chiến dịch tiếp thị smartphone giống như cách mà ông từng áp dụng cho PepsiCo.

Hệ thống phân phối rộng lớn của điện thoại Obi tại các thị trường mục tiêu được đảm bảo bởi việc hợp tác với Inflexionpoint, một công ty dẫn đầu về chuỗi cung ứng IT trên toàn cầu. Còn nhớ vài năm trước đây, John Sculley đã ấp ủ ý định thâu tóm BlackBerry và nghĩ rằng: "BlackBerry sẽ có rất nhiều giá trị trong tương lai. Nhưng nếu không có những người giàu kinh nghiệm - những người đi theo một loại hình kinh doanh và không có kế hoạch chiến lược thì sẽ thực sự khó khăn".

Tính đến năm 2014, BlackBerry chỉ có khoảng 7.000 nhân viên trên toàn cầu (20.000 nhân viên trên toàn cầu ở thời điểm hoàng kim nhất), phân nửa trong số này làm việc ở Canada và họ quyết không bán mình cho đến ngày hôm nay. Tuy khá tiếc về thương vụ này, nhưng Sculley và các cộng sự của ông cũng có được không ít những kinh nghiệm về cách mà các hãng sản xuất smartphone cạnh tranh với nhau đến "hơi thở cuối cùng".

"Khi nhìn vào HTC, Nokia, Sony cùng một số hãng di động khác nữa, chúng ta có thể thấy họ đã và đang hứng chịu 'cơn đau tim' trong nhiều năm trời vì các vấn đề kinh doanh thua lỗ. Chúng tôi nhận ra rằng họ chi tiền như 'nước' cho tất cả hoạt động kinh doanh của họ", Sculley nói. "Bạn đừng dẫn dắt công ty theo chiều hướng đó nữa, mà hãy bắt đầu lại từ đầu và đặc biệt, cần dõi theo mô hình xây dựng công ty như tại thung lũng Silicon".

Ý tưởng của điện thoại Obi là tạo ra một công ty smartphone có thể thành công và lọt vào Top đầu bảng hiện nay. Chẳng hạn như Xiaomi cũng kinh doanh theo mô hình tương tự với giá rẻ, còn Obi ra đời nhằm mục đích cung cấp một chiếc smartphone tốt hơn so với giá mà bạn phải trả. Bởi thế chúng tôi mới làm việc với Robert Brunner để mang đến thiết kế vượt trội cho thiết bị - đây là một phần của mục tiêu đó.

Smartphone Obi được thiết kế tại San Francisco (Mỹ) và sản xuất ở Trung Quốc. Tuy nhiên, theo John Sculley, hãng không sản xuất theo quy trình của các nhà máy Trung Quốc mà gửi kỹ sư của mình qua để kiểm soát chất lượng việc sản xuất các model này. Các nhà sản xuất của Trung Quốc cũng phản hồi rằng họ chưa bao giờ phải làm việc với các tiêu chuẩn cao như vậy. Để cạnh tranh trên thị trường, Obi tập trung vào việc lắng nghe phản hồi của người dùng về mức độ hài lòng của sản phẩm nhằm đưa ra giải pháp thích hợp.

Điện thoại Obi cũng đang cố gắng cắt giảm các khoản tiền cần phải chi cho các linh kiện cao cấp. Thay vì đi thẳng đến các nhà máy Trung Quốc, Obi đã tìm đến các nhà cung cấp thành phần quan trọng, bao gồm: Sony cho camera tốt, Dolby Audio cho chất lượng âm thanh hoàn hảo, kính cường lực thế hệ mới Gorilla Glass 4 cho khả năng chống chịu va đập, Qualcomm cho khả năng xử lý tác vụ mạnh mẽ và mượt mà…


Về phía phần mềm, "Chúng tôi chỉ có thể kiểm soát các trải nghiệm của người dùng đến một mức độ hạn chế, bởi vì chúng tôi dựa trên Android", Sculley nói. Vì vậy, công ty tập trung vào các lĩnh vực mà người tiêu dùng quan tâm nhất, như nhiếp ảnh. Ví dụ, camera có khả năng tự động chụp thêm một tấm có mở đèn Flash và ghép lại để cho ra một bức ảnh hoàn thiện với thời gian khá nhanh.

Ứng dụng này còn có tính năng chụp 4 tấm ảnh gần như cùng lúc (cách nhau vài phần trăm giây) để tự động cho ra tấm tốt nhất bằng các thuật toán cân bằng độ sáng, độ bão hòa màu,… và người dùng có thể tùy chỉnh sau theo ý thích, thậm chí cả “lấy nét sau”.

"Rất ít công ty có thể khởi nghiệp thành công tại thị trường Mỹ, nơi mà thương hiệu chiếm ưu thế, cũng như thành lập ở đây". Với Obi, "định hướng của chúng tôi là phải tìm đến một nơi nào đó mà sẽ mang về xác suất thành công cao hơn".

Không chỉ có Mỹ, mà ở châu Âu và Trung Quốc cũng bị điện thoại Obi gạt ra khỏi danh sách phổ biến smartphone của họ. Do đó, Obi hướng tới các thị trường mới hơn như: Đông Phi, Nigeria, Nam Phi, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan. Công ty cũng có kế hoạch thẳng tiến đến Ấn Độ, nhưng không phải vào thời điểm này, mà đến khi nào có đủ tự tin và thực lực.

Không giống như các điện thoại thông thường được bán ở Mỹ, các mẫu Obi smartphone được thiết kế cho các cuộc gọi quốc tế giá cả phải chăng, đúng như tên gọi của hãng "Worldphone". Cả hai model này đều có khe cắm SIM kép, đem đến sự tiện dụng cho người dùng, ở bất kỳ nơi nào mà họ đến. "Nếu bạn đi đến Dubai, 87% dân số ở đây là người Philippines, Sri Lanka, Ấn Độ và những nơi khác, nhưng họ muốn gọi điện thường xuyên về quê hương để hỏi thăm gia đình, thì Obi smartphone hoàn toàn có thể giúp họ thực hiện được điều đó một cách dễ dàng" - Sculley giải thích.

Bên cạnh đó, ở điện thoại Obi bạn sẽ tìm thấy các ứng dụng rất hữu ích, bao gồm: Dots nhắn tin miễn phí, GigSky cho phép người dùng đăng ký sử dụng dữ liệu mạng di động ngắn hạn ở 90 quốc gia, Hoot hoạt động giống như ứng dụngPeriscope, nhưng được tối ưu hóa cho các thuê bao có tốc độ mạng yếu.


Vậy làm thế nào để bán smartphone như cách mà bạn bán nước giải khát? Sculley cho biết, "Khi Pepsi và Coke đang cạnh tranh trên toàn thế giới, lúc đó đi đâu bạn cũng dễ dàng bắt gặp được các loại hình quảng cáo rất thu hút của họ". Ông nói thêm: "Thương hiệu của họ xuất hiện rất nhiều ở bảng quảng cáo ngoài trời, bảng chỉ dẫn trên tường, trong cửa hàng trưng bày biển báo... Cho nên, có một biểu tượng nổi bật xuất hiện trên bảng chỉ dẫn được xem là chìa khóa tốt nhất để xây dựng một doanh nghiệp nước giải khát nổi tiếng".

Đối với hãng điện thoại Obi Worldphone, Sculley đã xây dựng thương hiệu của mình theo cách thức tương tự. "Obi" là cái tên khá hay, đơn giản và dễ nhớ, Sculley nói. "Nó phù hợp với mọi ngôn ngữ. Nó hoạt động một cách ngoạn mục. Nó tốt như Coke khi bạn thấy nó xuất hiện trên thị trường".

Có lẽ đến một ngày nào đó mô hình kinh doanh của điện thoại Obi Worldphone và thị trường Mỹ sẽ "hợp rơ" với nhau, còn hiện tại thì iPhone của Apple vẫn là sản phẩm được ngưỡng mộ nhất. "Những điều đang diễn ra ở thời điểm hiện tại chỉ mới là sự khởi đầu trong suốt phần lộ trình của chúng tôi" - Sculley nói.

No comments:

Powered by Blogger.